Toggle navigation
Giới thiệu Sản Phẩm Tin tức Liên hệ

SARITA SẴN SÀNG ĐỒNG HÀNH CHĂM SÓC VƯỜN SẦU RIÊNG CÙNG CÁC NÔNG HỘ

         Với hai mùa nắng mưa, Đăk Lăk có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp trồng cây sầu riêng, giống chủ yếu là: Dona (Lai từ Monthong của Thái Lan). Đa phần, các nông hộ có kỹ thuật canh tác tự phát, kinh nghiệm tự học hỏi, chưa có tiêu chuẩn chung và có khoa học, chưa đảm bảo tiêu chuẩn VietGap. Hệ thống tưới - thoát nước tự nhiên, chưa kiểm soát chặt, chủ yếu dựa vào cao độ tự nhiên. Chất lượng đất - nước chưa được đo lường và đánh giá. Tốc độ gió, cường độ nắng, nhiệt độ chưa được theo dõi theo chuẩn mực. Kèm theo đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa theo chuẩn mực về an toàn được nhà nước cho phép, chưa rõ nguồn gốc và chất lượng. Phân bón và chất lượng, nguồn gốc phân bón cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng bón phân giả, phân kém chất lượng vẫn xảy ra. Các yêu tố trên khiến ô nhiễm nguồn nước và đất trồng trong lâu dài, dẫn đến sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật, Châu Âu, Mỹ…

Chính những trăn trở này, SARITA với slogan "Chất lượng tiên phong” đã quyết tâm đưa lý thuyết trở thành hành động thực tế tới các nộng hộ tham gia hợp tác vào chuỗi cung ứng cùng công ty.

Công ty sẵn sàng cử các cán bộ kỹ thuật đến tận vườn trồng Sầu riêng tập huấn và hỗ trợ các kỹ thuật chăm sóc vườn trồng đạt chất lượng.

Mỗi giai đoạn phát triển của cây sầu riêng sẽ có những loại sâu, rầy gây hại khác nhau, vì vậy cần thường xuyên kiểm tra vườn cây để sớm phát hiện và phòng trị.

I. Sâu, rầy hại sầu riêng

1. Rầy phấn (Allocaridara malayensis) Còn gọi là rầy nhảy, rầy trắng.

Thường xuất hiện và phát triển mạnh khi cây ra các đợt đọt non. Ấu trùng và thành trùng chích hút nhựa lá non và đọt non làm lá nhỏ, quăn queo, cành phát triển kém, gây rụng thưa lá.

Biện pháp phòng trừ:

+ Phun nước bằng vòi phun áp lực cao.

+ Dùng thuốc trừ sâu: Dùng luân phiên thuốc có các hoạt chất sau: Imidacloprid, Abamectin, acetamiprid, profenofos, thiametoxam …Nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chú ý phun sáng sớm hoăc chiều mát.

2. Rầy xanh Amrasca sp

Rầy xanh chích hút nhựa ở lá non và đọt non làm cho lá nhỏ, xoắn lá, nặng có thể gây ra hiện tượng cháy lá, rụng lá hàng loạt, khô cành, gây hiện tượng chổi chà trên sầu riêng.

           Rầy xanh chích hút gây ra vết thương, tạo điều kiện cho nấm khuẩn xâm nhập và gây bệnh cho cây trồng. Khả năng kháng thuốc mạnh, cần phun thay phiên nhiều gốc thuốc khác nhau, sử dụng và phòng trừ đồng loạt cho cả vườn gây tốn nhiều chi phí và tiền của. Hiện nay, bà con thường chú ý đến tăng liều lượng khi pha thuốc phun, hệ quả làm tăng chi phí và tăng luôn tính kháng thuốc của rầy xanh.

+ Biện pháp phòng trừ:

* Thường xuyên kiểm tra, thăm vườn để phát hiện và xử lý kịp thời.

* Điều khiển cây ra đọt non tập trung để dễ dàng phòng trừ.

* Tạo điều kiện cho vườn cây thông thoáng.

* Phun luân phiên các loại thuốc chứa hoạt chất thuốc thiamethoxam, profenofos, acetamiprid, imidacloprid,  Beta-cyfluthrin,Abamectin,Spirotertramat, Buprpzein… mỗi khi cây ra đọt non.

3. Bọ trĩ gây hại sầu riêng (Scirtothrips dorsalis và Thrips sp)

Trưởng thành: Có kích thước rất nhỏ, dài khoảng 0.8-1mm, có màu nâu, râu đầu dài, chiếm 1/3 thân, hai đuôi cánh hẹp, cánh trước ở phần giữa thắt lại. Khi trưởng thành thì đẻ trứng rải rác trong mô lá.

Triệu chứng bọ trĩ gây hại cho cây sầu riêng thái

Trứng: Kích thước khá nhỏ, mới đẻ màu trắng sữa, khi gần nở thì có màu vàng nhạt.

Ấu trùng: Cơ thể giống trưởng thành nhưng lại không có cánh, màu vàng cam, trên thân có nhiều lông nhỏ.

Ban ngày bọ trĩ hoạt động tương đối nhanh nhẹn. Khi bị khua động thì chúng tránh sang lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất. Chúng thường ẩn nấp trong lá non do chúng không ưa ánh sáng trực xạ. Khi trời mát thì chúng sẽ bò ra ngoài. Khi còn là ấu trùng chúng cũng rất gây hại. Trên cây sầu riêng thì chúng gây hại cho lá non và hoa. Bọ trĩ thường phát triển trong điều kiện ấm, nóng và khô.

Trên lá: Chúng thường chích hút cho lá chậm phát triển. Lá bị hại nặng có thể bị quăn queo.

Trên hoa: Chúng chích hút nhựa làm cho cánh hoa bị thâm đen. Nhụy hoa bị chảy nhựa. Nếu bị gây hại nặng thì  sẽ làm cho hoa rụng hàng loạt. Bọ trĩ cũng tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm đen lá.

Biện pháp phòng trừ:

Duy trì độ ẩm trong mùa khô trên 65% bằng lớp cỏ xanh, bón nhiều phân hữu cơ. Dùng vòi nước mạnh tưới lên cây hoặc áp dụng kỹ thuật tưới phun trên tán lá trong mùa khô cũng hạn chế mật số bọ trĩ trên vườn.

Tỉa bỏ những phần bị hại nặng và đem đi tiêu hủy. Thường xuyên tỉa cành để hạn chế chỗ trú ẩn của bọ trĩ.

Bọ trĩ có tính kháng thuốc rất cao nên luân phiên phun các loại thuốc như: Spinetoram (Radiant 60SC…), Clothianidin, Beta-cyfluthrin, Acetamiprid,

Imidacloprid (Confidor 100SL,…), Carbosulfan (Marshal 200SC,…), Abamectin phun vào lúc cây ra đọt non và ra hoa.

Chú ý: Bọ trĩ không ưa ánh sáng, khi trời râm mát chúng sẽ bò ra ngoài nên nên phun thuốc vào buổi chiều.

4. Bọ cánh cứng ăn lá

Bọ cánh cứng hầu như gây hại quanh năm, trong đó nặng nhất là các tháng mùa khô. Các loại bọ cánh cứng hại sầu riêng: bọ ngâu ( xanh, nâu, đen), xén tóc... Đa số bọ cánh cứng thuộc họ miệng nhai, chúng ăn phần thịt của lá non, cắn gãy đọt non hoặc làm cụt đỉnh sinh trưởng của cây sầu riêng, làm cho cây suy kiệt, thiếu diện tích lá dẫn đến quang hợp kém, cây còi cọc, thậm chí là chết cây nếu ko phát hiện và phòng trị kịp thời.

Bọ cánh cứng thường xuất hiện nhiều vào chiều tối và ban đêm, chúng bay thành từng đàn. Ban ngày chúng ẩn nấp trong tán cây rậm rạp hoặc dưới đất nên ít khi bị phát hiện. Khi rung động cành cây, bọ cánh cứng sẽ rơi xuống đất và nằm bất động. Vết cắn của bọ cánh cứng tạo ra vết thương, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào cây dễ dàng.

+ Biện pháp phòng trừ :

Vệ sinh vườn cho thông thoáng, tưới tiêu hợp lý, tránh để vườn khô hạn tạo điều kiện cho bọ cánh cứng phát sinh, phát triển và gây hại.

Chăm sóc, thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện sớm và phòng trừ. Khi phát hiện phun thuốc có hoạt chất fenitrothion + Fenpropathrin, Cypermethrin, chlothianidin, Cyhalothrin…..

5. Sâu xanh ăn lá:

Sâu non thường sống ở đọt và mặt dưới lá non, dùng tơ cuốn các đọt non lại và ở bên trong ăn phá,  ở mật độ cao sâu ăn phá xơ xác lá chỉ còn lại gân lá. Sâu phát sinh gây hại từ khi cây còn nhỏ đến khi trưởng thành.

+ Biện pháp phòng trừ: Theo dõi cây để phát hiện sớm mà phòng trị kịp thời. Bắt giết sâu non và nhộng khi mật số còn ít và tập trung trên đọt non. Nếu cần phải phun một trong các  thuốc hóa học có hoạt chất như: Abamectin, diafenthiuron, permethrin…

6. Rệp sáp hại quả planococcus

- Loài planococcus sp. Tấn công vào quả, hút dịch vỏ quả. Ngoài ra dịch tiết của chúng làm cho nấm bồ hóng phát triển, làm vỏ quả bị đen.

- Rệp gây hại trong suốt giai đoạn phát triển của quả từ lúc còn nhỏ đến lúc chín. Chúng chích hút trên cuống quả và trên quả, chúng thường tập trung rất nhiều ở những chùm quả.

Trên quả non, nếu mật đọ rệp sáp cao sẽ làm cho quả không phát triển được và có thể rụng sớm. nếu mật độ rệp sáp thấp hoặc tấn công khi quả đã lớn thì quả vẫn tiếp tục phát triển nhưng chất lượng quả bị giảm.

- Trong quá trình sống, rệp bài tiết ra mật ngọt tạo môi trường thích hợp cho nấm bồ hóng ( Capnodiun sp) phát triển, làm quả bị phủ một lớp bồ hóng, màu đen bẩn, làm giảm mẫu mã quả. Rệp sáp sống cộng sinh với các loài kiến. bằng cách kiến tha rệp từ nơi này đến nơi khác, từ cây này sang cây khác mỗi khi chỗ rệp sáp đang chích hút đã cạn kiệt nhựa. ngược lại, trong chất bài tiết của rệp có chứa nhiều chất đường mật làm thức ăn cho kiến.

Ngoài ra những chỗ rệp sáp chích hút sẽ tạo vết thương cho các loài nấm khác xâm nhập gây ra bệnh thối trái về sau.

+ Biện pháp phòng trừ:

Phun nước trực tiếp lên quả có thể rửa trôi rệp sáp trên quả.

Tỉa bỏ những quả non bị nhiễm nặng.

Tránh trồng xen với những loài cây bị nhiễm rệp sáp như mãng cầu, chôm chôm,….

Phun thuốc khi mật độ rệp sáp cao bằng các thuốc có chứa hoạt chất như: spirotetramat, Buprofezin, Clothianidin…….

7. Sâu đục thân (plocaederus ruicoruis)

Sâu đục thân thuộc họ xén tóc Cerambycidae, bộ cánh cứng (Coleoptera), những con xén tóc trưởng thành thường có thân màu nâu, kích thước thân thường dài từ 25 - 30 mm, trên thân có phủ một lớp lông màu xám, trong giai đoạn trưởng

thành thì sâu đục thân thường không còn khả năng gây hại đến cây sầu riêng.

Sâu non có thân hình dài từ 30 - 45 mm, thân mình có màu trắng sữa.

Những con trưởng thành thường đẻ trứng vào những kẽ của thân cây, các vết nứt hoặc nhánh cây nên khi trứng nở những con ấu trùng có thể men theo những đường này tấn công vào thân hoặc cành cây và cắn phá làm cho phần trên thân, cành của cây có thể bị chết nếu không phát hiện kịp thời và chữa trị.  Sau khi lớn ấu trùng sẽ chui ra khỏi cây để làm kén.

Khi cây bị sâu đục thân tấn công gây hại, chúng di chuyển thật sâu bên trong, cắn phá khắp nơi hình thành những đường hầm nhỏ bên trong thân cây không theo định hướng. Cắn đến đâu chúng bài tiết qua những lỗ đục mà chúng cắn phá nên việc phát hiện ra chúng không hề đơn giản. Khi phát hiện cây có biểu hiện lạ như héo hay chậm phát triển thì khả năng cây đã bị sâu đục thân và tốt hơn hết kiểm tra thật kỹ những cây đó để kịp thời chữa trị.

Sâu ăn lớp vỏ mềm giữa thân và vỏ cứng bên ngoài nên khi sâu gây hai ̣ nhiều hoăc ăn quanh thân cây ṣ e ̃ làm cho cây không vân chuỵ ển nước và dinh dưỡng

Biện pháp phòng trừ:

Sâu đục thân thường ẩn nấp trong thân cây nên khi ấu trùng đã chui vào bên trong chúng ta thường rất khó có thể tiêu diệt tận gốc vào sâu hại này. Để phòng trừ và trị sâu hại kịp thời chúng ta có thể áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả dưới đây:

* Nên thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm những cành hay thân cây bị sâu đục thân tấn công có thể dùng dây kẽm hoặc dao nhọn để soi lỗ đục bắt bằng tay.

* Tiến hành cưa bỏ những cành bị sâu đục nặng và đem ra khỏi vườn tiêu hủy.* Dùng hoạt chất: Alpha - Cypermethrin (Cypermethrin) + Profenofos, sau đó lấy xi-lanh bơm vào lỗ đục cao nhất hoặc dùng bông nhúng vào thuốc rồi gắn vào đầu dây kẽm nhét vào lỗ đục. Tiếp đến dùng đất sét bịt lỗ đục để giết chết sâu non ở trong thân cây.

8. Mọt đục cành

Có 5 loài mọt tấn công cây sầu riêng: Xyleborus similis, Xyleborus fornicatus, Xyleborinus sp., Sinoxylon anale và Platypus parallelus. Trong đó, hai loài X. similis và X. fornicatus gây hại phổ biến trên thân và cành sầu riêng; hai loài S. anale và P. parallelus được ghi nhận chỉ tấn công phần gỗ chết của cây sầu riêng.

Loài Xyleborus similis tấn công trên phần gốc, thân và cành chính, tạo thành mạng lưới đường đục phức tạp ở giữa phần gỗ tiếp giáp với phần vỏ; loài Xyleborus fornicatus tấn công cành, nhánh nhỏ, cành bị tổn thương hoặc bị suy yếu, chúng đục thẳng từ vỏ vào trong phần gỗ, sau đó đường đục phân nhánh.

Mọt gây hại chủ yếu mùa nắng và giảm nhanh trong mùa mưa, cây bị mọt gây hại trên thân có tương quan rất chặt với bị bệnh xì mủ - thối gốc. Nếu bị nặng, mọt đục vào lõi, cắt đứt dòng vận chuyển nước và chất dinh dưỡng lên trên, nên từ vị trí mọt đục trở lên sẽ bị khô cành và chết.

Các biện pháp phòng trừ:

*  Kiểm tra vườn thường xuyên để sớm phát hiện mọt gây hại, thu gom và tiêu hủy các cành đã bị tấn công nặng.

* Vì lỗ đục nhỏ có thể dùng bông gòn tẩm thuốc có hoạt chất như: Cypermethrin, acetamiprid, buprofezin...nhét hoặc quét vào lỗ mọt đục.

* Chú ý: Trong quá trình phun thuốc trị sâu rầy nên phun lên cả lá, thân, cành sẽ hạn chế được mọt đục cành. Kiểm tra nếu chỗ mọt đục đã bị xì mủ thì phải phòng trị bệnh xì mủ gây hại trên cây sầu riêng.

9. Nhện đỏ

Nhện đỏ hại sầu riêng thường có kích thước rất nhỏ (khoảng 0,3 - 0,35 mm), màu cam hay đỏ sậm, trên cơ thể có nhiều lông cứng. Ấu trùng mới nở có màu vàng, nâu nhạt, khó quan sát bằng mắt thường.

Nhện đỏ có khả năng sinh sản cao, gây hại bằng cách ăn biểu bì lá. Nhện đỏ gây hại chủ yếu trên lá già và lá gần già, sống và chích hút ở 2 mặt lá (mặt dưới nhiều hơn). Khi bị hại nặng, lá non thường nhỏ và xoắn lại, gân lá nổi gồ lên, vết cạp hút để lại những chấm nhỏ li ti, lá có màu vàng bạc và bị rụng. Ở giai đoạn kinh doanh nhện đỏ làm vỏ trái sần sùi, màu vỏ xấu, trái chậm lớn, cây còi cọc, kém phát triển.

Một nhện cái có thể đẻ 20 - 50 trứng trong vòng 2-3 ngày. Trứng được đẻ rải rác trên cả hai mặt lá hoặc trên trái.

Thời tiết càng nắng nóng hay càng khô hạn thì vòng đời của nhện đỏ càng rút ngắn khiến cho mật số nhện tăng nhanh và gây hại nặng hơn.

Biện pháp phòng trừ:

* Kiểm tra lá thường xuyên để sớm phát hiện nhện gây hại.

* Cắt tỉa cành tạo vườn thông thoáng, không trồng dày.

* Bón phân cân đối, bón tập trung để đọt non ra đồng loạt.

* Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước lên tán lá tạo ẩm độ cao.

* Mật số nhện gây hại cao có thển phun các loại thuốc trừ nhện như Abamectin và dầu khoáng hoặc pyridaben, sulfur, fenpropathrin, spirodiclofen...

phun 02 lần cách nhau môt tụ ần/lần.

II. Phòng trừ bệnh hại

2.1 Bệnh cháy lá (Rhizoctonia sp.)

Trên lá vết bệnh ban đầu là các đốm loang lổ sẫm màu, mọng nước và có dạng bất định, sau đó lan rộng giống như bỏng nước sôi. Khi lá già vết bệnh chuyển màu nâu, lá khô rụng, cành khô chết. Bệnh xuất hiện ở chóp lá, giữa lá hay toàn bộ bề mặt của lá gây trụi lá, chết cành.

Biện pháp Phòng trừ:

* Cắt tỉa các cành sát mặt đất, tạo tán cho vườn thông thoáng.

* Thu gom và tiêu hủy các lá nhiễm bệnh và lá rụng.

* Dùng thuốc Anvil 5SC, Validacin, Monceren 250SC... để phòng trừ.

2.2 Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeoporioides)

Bệnh xuất hiện và nhanh chóng lây lan nặng trên cây con, vườn ươm đặc biệt là đầu mùa mưa và những ngày có sương. Bệnh thường xuất hiện trên những lá trưởng thành ở khu vực từ giữa tán trở xuống mặt đất. Trên lá, vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá hay chóp lá lan dần vào trong, dạng gần tròn hay bất định. Vết bệnh màu nâu đỏ bên trong có những đường viền gợn sóng màu nâu sậm xép gần như đồng tâm với nhau. Vết bệnh già có màu nhạt dần màu nâu, trên đó nấm thành lập ổ trông giống đầu kim màu đen. Bệnh nặng làm lá khô cháy và rụng sớm làm cành cây trơ trụi chết khô.

Biện pháp phòng trừ:

+ Chăm sóc vườn cây đúng quy trình kỹ thuật, bón phân tưới nước thích hợp và đầy đủ, phủ gốc trong mùa khô.

+ Tiêu hủy các lá bị bệnh rụng.

+ Phun thuốc khi bệnh phát triển mạnh, dùng Derosal 60WP, Antracol 70WP...

2.3 Bệnh vàng lá, thối rễ, xì mủ (Phytophthora palmivora + Pythium Complectens).

Bệnh gây hại mạnh khi đất vườn quá ẩm ướt, thoát nước kém, nấm tấn công toàn bộ rễ của cây sầu riêng con khiến rễ không thể hút chất dinh dưỡng, dẫn đến việc cành bị héo úa lá chuyển vàng và rụng, sau đó cây kiệt sức rồi chết.

Biện pháp phòng trừ:

Do bệnh thường tấn công từ rễ của cây nên rất khó phát hiện, đến khi nhận thấy biểu hiện của bệnh trên cây thì tình trạng của cây sầu riêng con đã trở nên trầm trọng, khó có thể hồi phục, vì thế để phòng tránh bệnh từ đầu cũng như hạn chế việc lây lan, nên chú ý những vấn đề sau đây:

* Trước khi trồng phải vệ sinh, tiêu hủy tàn dư thực vật, bón vôi...để hạn chế mầm bệnh có sẵn trong đất.

* Bố trí 10% cây giống dự phòng để trồng dặm lại.

* Đối với những cây sầu riêng con đã bị bệnh nặng và chết nên nhanh chóng nhổ bỏ hết gốc rễ đem tiêu hủy ngoài khu vực vườn trồng.

* Thoát nước tốt cho vườn trồng, không để vườn bị ngập úng chống nước chảy tràn trên vườn trồng.

* Cây bi ̣ bệnh thì pha 40ml Agri – fos 400SL trong 8 lít nước + Mancozeb (liều pha theo khuyến cáo nhà sản xuất) để phun qua lá và tưới hoăc sục vào bô ̣rễ cây 4 lít dung dịch nước thuốc/gốc, xử lý 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.

* Phòng bệnh thối rễ: Pha 40ml Agri – fos 400SL nồng đô ̣0,5% phun định kỳ mỗi tháng một lần trong mùa mưa và hai tháng một lần trong mùa khô. Kết hợp sục hoặc tưới gốc 4 lần/năm: Thời điểm vào đầu, giữa và cuối mùa mưa, nếu mùa mưa kéo dài nên bổ sung một lần sục hoặc tưới gốc.

2.4  Bệnh nấm hồng (Corticium salmonicolor)

Bệnh thường xảy ra trên cành và thân cây còn nhỏ, nhất là ở phía trên của những cành bị che kín không có ánh nắng. Đầu tiên, trên mặt vỏ cây có những sợi khuẩn ty nấm màu trắng bò lan tạo thành những mảng màu trắng, sau vết bệnh chuyển dần sang màu hồng, nhánh bệnh bị khô và chết.

Biện pháp phòng trừ:

     - Cắt tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng, tỉa và tiêu hủy các cành bị bệnh

     - Dùng thuốc: Anvil 5SC, Validacin, Monceren 250 SC

2.5  Bệnh đốm rong (Cephaleuros virescens)

Vết bệnh trên lá và cành non có những đốm lồi, dạng màu xanh xám, lan rộng dần khi có độ ẩm cao và đủ ánh sáng. Vết bệnh già có màu xanh nâu đỏ, nhô lên, dạng nhung. Ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua. Bệnh làm lá suy giảm quang hợp, rụng sớm. Đốm bệnh trên cành có màu nâu đỏ, làm cành bị khô và yếu, vỏ bị nứt nẻ, dễ tạo điều kiện cho nấm bệnh khác xâm nhiễm.

Biện pháp Phòng trừ:

* Chăm sóc thích hợp, bón phân và tưới nước đầy đủ, cân đối, cắt tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng, thu gom và tiêu hủy các lá rụng do bị bệnh.

* Phun lên thân, cành, lá bệnh bằng các dung dịch thuốc gốc đồng: Copper Oxychloride (Coc 85WP, Champion 77WP..), dung dịch Bordeaux 1%....

2.6 Bệnh rỉ sắt (Xanthomonas campestricpv)

Bệnh rỉ sắt hay còn gọi là bệnh đốm mắt cua hại sầu riêng. Bệnh này do vi khuẩn Xanthomonas campestricpv.cv gây ra.

Lúc đầu vết bệnh màu vàng sáng, nhỏ như vết kim châm trên lá non. Sau đó bệnh phát triển nhanh bằng những vệt màu nâu nhạt. Đường kính biến thiên theo giống cây trồng. Bệnh đốm mắt cua thể hiện trên cả hai mặt lá, xung quanh vết bệnh có viền vàng sáng và không làm lá biến dạng, nhăn nheo.

Trên thực tế, vi khuẩn này dễ phát sinh trong điều kiện nhiệt độ cao từ 20 đến 300C. Đặc biệt là trồng cây với mật độ quá dày, rậm rạp, không thông thoáng, thiếu tiếp xúc với ánh sáng, không có sự chăm sóc thường xuyên của con người.

Bệnh có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau như: Gió, mưa, côn trùng chích hút, dụng cụ làm vườn,…Đó là nguyên nhân để cho bệnh đốm lá cua dễ dàng xâm nhập vào trong các tế bào của cây và gây ra những ảnh hưởng xấu.

Biện pháp Phòng trừ:

Bệnh đốm mắt cua có tốc độ lây lan nhanh, đặc biệt là trong điều kiện trời mưa bão cần chú ý thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm bệnh.

Tiêu huỷ, dọn vệ sinh vườn nhằm hạn chế vi khuẩn lây lan sang các cây xung quanh.

Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây thông qua việc bón các loại phân đa, trung vi lượng.

Có thể sử dụng thuốc trị bệnh đốm mắt cua cho cây sầu riêng như: Kasura 47WP,  Coc 85WP, NANO đồng, champion 77WP… phun 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 – 5 ngày.



Theo dõi

Facebook

Instagram

Tiktok

Youtube

Chi nhánh

Văn phòng Việt Nam: 68/116 Nhân Hòa, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam

Chi nhánh Trung Quốc: 广西壮族自治区南宁市江南区友谊路西一里 邮政编码

Chi nhánh Úc châu: 361/363 Kent St, Sydney NSW 2000, Úc

Nhà Máy: Lô CN4, Cụm công nghiệp Tân An, Phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam

Liên hệ

Địa chỉ: Lô CN4, Cụm công nghiệp Tân An, Phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam

Hotline: 0989811688

E-mail: sarita.com.vn@gmail.com