Theo thống kê của cơ quan chức năng, Tây Nguyên có sản lượng sầu riêng 130.000 tấn trong năm 2022, dự báo trong 2 năm tiếp theo sản lượng sẽ tăng thêm 50%. Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang tăng mạnh diện tích trồng sầu riêng. Khi tăng diện tích sẽ cung cấp một sản lượng quả lớn, vượt xa nhu cầu của thị trường. Việc tăng mạnh diện tích sẽ tạo áp lực rất lớn về đầu ra. Đây là những vấn đề mà sầu riêng sẽ gặp phải trong 3 - 5 năm tới.
Theo ông Vũ Phi Hổ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sầu riêng Tây Nguyên (SARITA) khi sản lượng lớn thì thị trường sẽ không còn ổn định về giá. Từ đó, bài toán được mùa mất giá sẽ quay trở lại trên cây sầu riêng.
“Khi áp lực bán cao, trong khi thời gian bán sầu riêng chỉ trong vòng 15 ngày kể từ ngày quả sầu riêng được cắt xuống. Nếu sầu riêng không được cắt đúng thời điểm để quả rụng thì bất cứ giá nào người dân cũng phải bán để thu hồi vốn”, ông Hổ nói.
Theo ông Hổ khi quả sầu riêng rụng thì các doanh nghiệp chuyển sang bóc múi, lúc này áp lực tài chính sẽ gia tăng. Nếu bán quả tươi, các doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn nhanh, nhưng khi bóc múi thì phải cấp đông số lượng lớn.
Đặc biệt, loại bóc múi thì người dân sau khi ăn xong quả tươi họ mới quay đến sản phẩm cấp đông. Như vậy sản phẩm cấp đông phải để trong vòng một năm mới đưa ra thị trường.
“Sản lượng bóc múi vào khoảng 60.000 tấn quả với 20.000 tấn sản phẩm. Nếu quy ra tiền thì sẽ rơi vào khoảng 1.800 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ. Đi kèm với sản lượng bóc múi này thì hệ thống kho lạnh đi kèm cũng phải lớn. Tuy nhiên hiện nay năng lực chứa tại Tây Nguyên thì không đến 2.000 tấn.
Do đó, để có nơi chứa, các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm xuống TP.HCM để thuê kho cấp đông. Nhìn từ dữ liệu này thì địa phương phải tìm ra những nhà logictic phù hợp những đặc tính của ngành sầu riêng bóc múi, để từ đó nâng được giá trị, tạo ra được lợi ích của sản phầm này”, ông Hổ thông tin.
Ông Hổ nói thêm, hiện nay sản phẩm cấp đông của Việt Nam xuất qua Trung Quốc ở phân khúc nguyên liệu, tầm trung. “Loại sản phẩm này ngay từ đầu không định dạng được thương hiệu nên phải bán ở các chợ, phân khúc trung bình. Do đó, để sản phẩm này có chỗ đứng, bán được giá cao thì cần thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp cũng như cả người dân vì tiềm năng của dòng sản phẩm này rất lớn”, ông Hổ nói.
Theo ông Vũ Phi Hổ, không phải sầu riêng Việt Nam không ngon mà do lựa chọn phân khúc, công nghệ và cách tham gia thị trường không đúng.
Cụ thể, ở Thái Lan người ta bảo vệ sầu riêng bằng luật pháp. Đặc biệt toàn bộ phân bón, thuốc trừ sâu phải được cơ quan chức năng quản lý. Người dân không được sử dụng những sản phẩm chưa được chính quyền khảo nghiệm.
“Ở Thái Lan, sầu riêng là thương hiệu quốc gia, do đó họ dùng luật để quản lý. Đây là cách người Thái họ quản lý ngành sầu riêng. Đối với nước ta, việc nâng cao chất lượng sầu riêng của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung hiện nay là vô cùng phức tạp”, ông Hổ so sánh.
Cụ thể, từ trước đến nay sầu riêng đi theo quy trình từ nhà vườn đến thương lái, vựa (công ty) và cuối cùng là thương lái Trung Quốc. Trong đó, thương lái Trung Quốc là người quyết định thị trường.
Hiện giá sầu riêng của Thái Lan bán tại Trung Quốc hơn 1.000 tệ/thùng (18kg) trong khi sầu riêng Việt Nam chỉ bán được 900 tệ/thùng. Từ đó người tiêu dùng đánh giá hàng Việt Nam thuộc hàng chợ, thấp nhất trên thị trường. Đặc biệt, sầu riêng hiện nay chưa được xem là sản phẩm thương hiệu quốc gia. Do đó, chúng ta chưa có đầu tư xứng đáng cho ngành hàng này. Từ những vấn đề trên, Công ty SARITA thành lập với chủ trương sử dụng thương hiệu Việt Nam, của người Việt đứng chân tại thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, công ty ký hợp đồng với một đối tác phía Trung Quốc đang phân phối sữa chua Vinamilk và các loại sữa đặc tại thị trường tỷ dân này. Theo đó, đối tác Trung Quốc sẽ là đại lý bán hàng và hưởng hoa hồng trên từng sản phẩm.
“SARITA đi trên một con đường độc lập, tách ra khỏi cấu trúc thông qua các thương lái. Chính vì thế SARITA xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cao cho quả sầu riêng Việt Nam. Đặc biệt quả bóc múi được xây dựng chuẩn theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Cụ thể, SARITA chủ trương sử dụng công nghệ nitơ cấp đông cho sầu riêng bốc múi. Theo đó, mỗi mẻ thời gian cấp múi chỉ trong vòng 11 phút với nhiệt độ âm 250 độ. Việc đẩy nhanh tốc độ đông cứng sẽ giúp múi sầu riêng không bị mất nước, cấu trúc của quả sầu riêng vẫn còn nguyên. Đây là một trong những công nghệ hữu ích giúp nâng giá trị của sầu riêng cấp đông.
Đặc biệt, để nâng tầm sầu riêng, SARITA đưa ra chủ trương phải bắt đầu từ người trồng. Doanh nghiệp có đầu tư nhà máy, cơ sở vật chất bao nhiêu nhưng quả sầu riêng đưa vào không ngon thì không còn giá trị.
“Công nghệ không thể làm cho quả sầu riêng ngon lên được. Sầu riêng có ngon hay không phải là do người trồng. Người trồng muốn có quả sầu riêng ngon thì phải có kỹ thuật canh tác, dinh dưỡng cây trồng và quá trình phun thuốc, vệ sinh môi trường đồng ruộng”, ông Hổ thông tin.
Để giúp người dân, hiện nay Công ty SARITA đang xây dựng quy trình chuẩn cho việc canh tác sầu riêng. Những vườn nào hợp tác với SARITA thì đều được đội ngũ kỹ thuật của đơn vị hỗ trợ.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ xây dựng quy trình canh tác chuẩn, lộ trình dinh dưỡng cây trồng vì hiện này vẫn còn nhiều trường hợp không nắm được kỹ thuật canh tác. Công ty cũng sẽ kiểm sát phân bón, thuốc trừ sâu đối với các vườn liên kết.
“Đơn vị cũng xây dựng đội ngũ 10 nhân viên công nghệ thông tin để số hóa vùng trồng. Toàn bộ dữ liệu vùng trồng từ canh tác, thu hoạch sầu riêng sẽ được số hóa.
Số hóa vườn vựa là bước đi quan trọng hàng đầu cho tất cả những nền nông nghiệp. Nếu việc này triển khai thuận lợi sẽ giúp cho ngành sầu riêng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung nâng cao được chất lượng, chuyên nghiệp”, ông Hổ nói thêm.